Truy cập nội dung luôn

UBND Xã Sơn Ba

Huyện Sơn Hà

Tỉnh Quảng Ngãi

Đảng viên vùng cao Quảng Ngãi: Già nêu gương, trẻ tiên phong

25/11/2023 16:17    4

Dẫu đã lớn tuổi, đi lại không còn nhanh nhẹn như thời trai trẻ; có người cuộc sống còn bộn bề những lo toan, nhưng họ vẫn miệt mài cống hiến, không toan tính thiệt hơn. Đó là những đảng viên là già làng, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi. Họ mong muốn được góp sức đẩy lùi những tập tục lạc hậu, lan tỏa những việc làm tốt, có ích cho cộng đồng, để cùng nhau xây dựng khu dân cư đoàn kết, giàu đẹp.

 

Thôn Làng Ranh, ở xã Sơn Ba là địa phương xa nhất của huyện Sơn Hà, giáp với xã Ba Ngạc (Ba Tơ), cách thị trấn Di Lăng khoảng 35km về phía Tây Nam. Mùa này, người dân vùng cao không còn bận rộn nhiều với công việc nương rẫy, vì mùa vụ đã xong. Từ nơi thượng nguồn, dòng sông Re vẫn hiền hòa chảy về hạ nguồn sông Trà Khúc, bình yên như lòng người nơi đây. Vừa đến đầu làng, chúng tôi hỏi thăm nhà đảng viên Đinh Văn Na thì ai cũng biết và ngợi khen, vì ông không chỉ là người làm kinh tế giỏi, mà còn là tấm gương sáng trong các phong trào ở địa phương. Dẫu đã quá giờ trưa, nhưng già làng Đinh Văn Na vẫn còn làm rẫy và chăm đàn trâu 10 con. 

Đường vào thôn Làng Ranh, xã Sơn Ba (Sơn Hà). Ảnh: BÙI THANH TRUNG
Đường vào thôn Làng Ranh, xã Sơn Ba (Sơn Hà). Ảnh: BÙI THANH TRUNG

Kéo vạt áo lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt sạm nắng, già Na phấn khởi nói: “Nghe mấy cháu ở xã bảo có cán bộ tỉnh lên thăm, mình bảo vợ ở lại trông trâu, còn mình tức tốc chạy về làng. Vui lắm!”. Thấy vậy, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Ba Đặng Văn Minh chia sẻ, già Na là vậy đó! Ông chu toàn từng việc nhỏ ở địa phương. Bất cứ việc gì, vào đêm tối, hay trưa nắng mà xã nhờ ông đều có mặt và làm rất nhiệt tình, như việc của gia đình mình. 

Làng Ranh có 300 hộ, với khoảng 1.200 nhân khẩu. Do thiếu đất sản xuất nên nơi đây thường xuyên xảy ra tranh chấp đất. Mỗi lần như thế, chính quyền địa phương chỉ biết trông cậy vào tiếng nói của già Na, vì ông được người dân trong thôn nể trọng. Từ đó, người dân trong thôn gọi ông là “luật sư” của làng. Có việc gì người dân cũng đến gõ cửa nhà ông và ông cũng chưa bao giờ từ chối. Từ năm 2020 đến nay, già Na đã hòa giải thành công 7 vụ tranh chấp đất nghiêm trọng, mang đến sự bình yên cho người dân trong thôn. 

Điển hình là vụ tranh chấp đất đai giữa ông Đinh Văn Nhã (46 tuổi) và ông Đinh Văn Trê (66 tuổi), với tổng diện tích đất tranh chấp hơn 2.000m2. Đây là đất rẫy, trước đây của ông Trê khai hoang nhưng chưa đăng ký quyền sử dụng đất. Sau khi người vợ đầu qua đời, ông Trê theo người vợ mới lên Ba Ngạc lập nghiệp và không canh tác mảnh đất trên. Thấy đất bỏ hoang, ông Nhã ở cùng thôn đã phát dọn, cải tạo trồng mì. Sau một thời gian, ông Trê về làng đòi lại thửa đất trên, dẫn đến mâu thuẫn giữa ông Trê và ông Nhã rất gay gắt, gây mất trật tự tại địa phương trong khoảng thời gian dài. Chính quyền địa phương đã nhiều lần hòa giải nhưng không thành.

“Vụ việc tranh chấp gay gắt nên tôi cũng sợ ảnh hưởng đến gia đình. Nhưng rồi, vì sự bình yên cho người dân trong thôn, tôi nhận lời tham gia hòa giải. Hôm đó, tôi mang đến nhà ông Nhã một con gà và ché rượu, rồi mời ông Trê qua dự để phân tích phải trái, đúng sai và đã tìm được tiếng nói chung là đồng ý chia đôi mảnh đất, mỗi người một nửa. Sáng hôm sau, 2 người cùng nhau lên xã ký biên bản thỏa thuận, mang đến niềm vui cho người dân cả thôn”, già Na kể.

Còn anh Nhã thì chia sẻ, già Na không phải hộ có kinh tế khá nhất trong thôn, nhưng vì việc chung của địa phương, gia đình ông đã hiến thửa đất trị giá gần cả tỷ bạc để xây trường học. Nghĩ lại việc đó, tôi thấy việc tranh chấp đất của mình là không nên. Do đó, tôi nghe theo lời khuyên của già Na.

Hay như mới đây là vụ tranh chấp đất vườn giữa gia đình ông Đinh Ba Riều (40 tuổi) và ông Đinh A Năm (42 tuổi). Nhà ông Riều có 5.000m2, nhà A Năm có 1.000m2 đất. Giữa 2 thửa đất phân định ranh giới bằng hàng rào đá. Tuy nhiên, theo thời gian qua, hàng rào không còn, dẫn đến tranh chấp. Ông Riều trồng cây gì cũng bị ông Năm nhổ bỏ và ngược lại. Thấy vậy, già Na đi tìm hiểu những người lớn tuổi trong làng biết về hiện trạng 2 mảnh vườn này. Sau khi nắm được thông tin, già Na đề nghị chính quyền địa phương xuống đo đạc dưới sự hướng dẫn của ông. Kết quả, cả hai bên gia đình đều đồng ý, tình cảm láng giềng được hàn gắn trở lại.

Những việc làm mà già Na dành cho người dân thôn Làng Ranh là không đơn giản, không phải ngày một, ngày hai là có kết quả. Mà điều đó được xây nên từ cách sống chuẩn mực, nêu gương của một đảng viên cao tuổi như già Na và gia đình ông trong hàng chục năm qua, thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực đối với người dân. Với già Na, đã nói thì phải làm. Một khi làm thì phải có kết quả thực sự, xuất phát từ người thật, việc thật, không thể nói suông. Điển hình là ông đã từng hiến hơn 500m2 đất mặt tiền dọc đường QL 24B để địa phương xây dựng công trình giáo dục cho địa phương.

Trước đây, được địa phương tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí khác nhau trong thôn, từ công tác Mặt trận đến Bí thư Chi bộ thôn, nhưng già Na mang trong mình mặc cảm khi mới học đến lớp 7, vì sớm mồ côi và hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, nhiều năm qua ông luôn động viên con em trong thôn phải nỗ lực học tập, vì chỉ có con chữ mới có thể thay đổi cuộc đời. Nhưng rồi, nạn tảo hôn đã trở thành rào cản đối cuộc vận động của ông và nhiều bạn trẻ trong thôn.

Già Đinh Văn Na và học sinh trong làng.
Già Đinh Văn Na và học sinh trong làng.

Già Na luôn trăn trở và suy nghĩ làm thế nào sớm loại bỏ hủ tục này ra khỏi đời sống người dân. Thế là, ông lặng lẽ bám từng nương rẫy, khu dân cư và đến từng gia đình con em trong độ tuổi vị thành niên để tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, những tác hại của tảo hôn… theo phương châm mưa dầm thấm lâu. Với cách làm đó, nhiều em còn trong độ tuổi đi học đã trở lại trường để học con chữ; nhiều thanh niên thoát cảnh tù tội nhờ già Na kịp thời ngăn chặn tổ chức đám cưới tảo hôn.

Đến giờ, em Đ.T.H và gia đình vẫn vô cùng biết ơn già Na. Sẽ là lẽ bình thường nếu ngày trọng đại của H được tổ chức khi cô dâu, chú rể đều đủ tuổi kết hôn. Nhưng lúc bấy giờ, H thiếu 1 năm 3 tháng mới đủ tuổi kết hôn, nếu đám cưới diễn ra thì chồng H sẽ rơi vào vòng lao lý, vì sinh sống với người dưới 18 tuổi. 

Sự thành công trong việc ngăn chặn nạn tảo hôn ở thôn Làng Ranh do già Na khởi xướng có sự góp sức của hơn 46 đảng viên trong thôn. Bởi lẽ, già Na đã vận động tất cả đảng viên trong thôn không dự đám cưới tảo hôn của con, em trong thôn, kể cả người thân. “Nể nang, vì xóm, vì làng là cách sống ăn sâu vào tâm trí của người làng. Ngày trước, nhiều đảng viên vẫn đi dự, dù biết đó là đám cưới tảo hôn. Thế nhưng, về sau không còn đảng viên nào trong thôn dự đám cưới tảo hôn. Đảng viên là già làng, người có uy tín, phải làm gương, không thể ủng hộ việc làm sai trái được”, ông Na cho hay. 

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Ba Đặng Văn Minh cho biết, toàn xã có gần 5.000 hộ dân, trong đó gần 40% hộ nghèo. Nhiều năm trước, tình trạng tảo hôn diễn rất phức tạp, nhất là giai đoạn 2017 - 2019. Mỗi năm có từ 5 - 7 vụ việc xảy ra. Thế nhưng, từ khi có phong trào “Đảng viên nói không với đám cưới tảo hôn” ở Làng Ranh, nhiều làng, xóm khác cũng học hỏi, làm theo, góp phần giảm đáng kể tình trạng tảo hôn. Điển hình là, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn không còn trường hợp tảo hôn. Đây là tín hiệu rất vui, thể hiện nếp sống văn minh ngày càng phổ biến trong đời sống người dân vùng cao. 

Ba Tô là xã dẫn đầu của huyện Ba Tơ trong phong trào hiến đất để mở đường bê tông, góp phần xây dựng xã nông thôn mới. Trở lại xóm Tổ Mìn, thôn Làng Xi 2 lần này, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi chứng kiến những đổi thay rất nhiều từ nơi đây. Xóm nằm biệt lập trên một quả đồi nhấp nhô, là nơi sinh sống của khoảng 30 hộ dân người Hrê. Trước đây, để ra khỏi xóm Tổ Mìn đi bán buôn, mua sắm, người dân phải băng qua những nương rẫy, núi đồi với cây cối um tùm, xum xuê. Mỗi lần như thế, người dân luôn lo sợ bị rắn, rết, vắt, côn trùng cắn… Vào mùa mưa, người nhà ốm đau cần chuyển viện nhưng không có phương tiện nào có thể tiếp cận. Học sinh đi học cũng vậy.

Đến năm 2022, người dân xóm Tổ Mìn mới có được niềm vui. Bằng uy tín của người đảng viên, ông Phạm Văn On (60 tuổi) đã đứng ra vận động người dân hiến đất để làm tuyến đường dài 300m, mở lối vào làng. Trong đó, ông Phạm Văn Hẻ (63 tuổi) đã hiến 400m2 đất tại vị trí quan trọng nhất của tuyến đường.

“Đến bữa ăn, người dân còn chạy lo từng bữa thì không thể nào bỏ tiền mua đất xây đường. Trong những buổi họp dân, thấy ông On nói có lý, có tình, tất cả vì con cháu mai sau, tôi đồng ý chặt bỏ đám keo hơn 2 năm tuổi để công trình sớm triển khai. Hiện nay, dù mới thảm nhựa được ½ tuyến đường, nhưng người dân rất phấn khởi, vì giờ đây đường rộng thênh thang, các phương tiện qua lại thoải mái, thuận tiện giao thương hàng hóa”, ông Phạm Văn Hẻ bày tỏ.

Nhờ có sự giúp sức của ông Phạm Văn On (60 tuổi), tình trạng học sinh bỏ học, học giã gạo ở địa phương giảm đáng kể.
Nhờ sự góp sức của đảng viên Phạm Văn On (60 tuổi), tình trạng học sinh bỏ học, học giã gạo ở địa phương giảm đáng kể.

Thôn Làng Xi 2 là nơi khó khăn nhất của xã Ba Tô. Toàn thôn có 183 hộ với 691 nhân khẩu. Trong đó, có 43 hộ nghèo, 56 hộ cận nghèo, chỉ có 2 hộ là người Kinh, còn lại là người Hrê, nằm rải rác trên những ngôi làng hẻo lánh. Lớn lên ở thôn Làng Xi 2, đảng viên Phạm Văn On thấu cảm với những mong muốn của người dân nơi đây. Giao thông cách trở nên công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chưa có đột phá. Thấy được thực trạng đó, ông On vận động 15 đảng viên trong thôn cùng nhau đoàn kết, nêu gương trong việc hiến đất làm đường để người dân noi gương làm theo.

Ngoài tuyến đường vào xóm Tổ Mìn, ông đã vận động người dân hiến 150m2 đất xây tuyến đường chính vào xóm Làng Chai, hiến 40m2 đất từ cầu Nước Vay đi vào Làng Chai 1 và từng vận động các hộ dân đóng góp 100 nghìn đồng/hộ, 200 ngày công để làm nhà sinh hoạt thôn theo kiểu nhà sàn truyền thống của đồng bào Hrê…

Cùng với chính quyền địa phương, ông Phạm Văn On (60 tuổi) thường xuyên bám sát địa bàn, vận động nhân dân đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cùng với chính quyền địa phương, đảng viên Phạm Văn On (đứng thứ hai từ phải qua) thường xuyên gặp gỡ để lắng nghe nguyện vọng của dân và vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ông Phạm Văn On (60 tuổi) luôn là người gần dân, sát dân và là điểm tựa tinh thần của nhiều người dân ở nơi mình sinh sống.
Đảng viên Phạm Văn On (60 tuổi) luôn gần dân, sát dân và là điểm tựa tinh thần của nhiều người dân trong khu dân cư.

Mang biếu ông On vài sản vật của rừng, bà Phạm Thị Linh (55 tuổi) chia sẻ với chúng tôi rằng, ông On là niềm tự hào của dân làng. Bởi lẽ, ông không chỉ tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, mà còn hết lòng vì người dân nơi mình sinh sống. Ân tình của ông với dân làng rất lớn. Chẳng ngại vượt qua đèo dốc, ông On luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Ông thường xuyên chở các cháu xuống trường kiếm con chữ. Ngày mưa bão, ông trực ở cầu Nước Vay để nhắc nhở, cõng con em qua dòng nước lớn…

“Cuộc sống khó khăn, thiếu sinh kế làm ăn, nên nhiều người dân ở Làng Xi 2 phải rời làng vào các tỉnh phía nam, miền Trung - Tây Nguyên kiếm kế mưu sinh. Ở làng còn lại là người già và trẻ em. Thiếu sự quan tâm của cha mẹ, tình trạng học sinh bỏ học, học giã gạo xảy ra thường xuyên. Ông On chẳng khác gì là người cha đỡ đầu cho các em. Như gia đình tôi, các con đều đi ăn làm xa, thỉnh thoảng một mình tôi phải chăm sóc 8 đứa cháu. Nếu không có ông On ghé qua thăm hỏi, giúp đỡ, thân già này chẳng biết phải xoay sở thế nào”, bà Linh cho hay.

Đảng viên Phạm Văn On vận động học sinh ra lớp và đưa các em đến trường.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ba Tô Đinh Sưu cho biết, ông On là một trong những đảng viên tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho địa phương trên nhiều lĩnh vực, từ lúc ông còn là Chủ tịch Hội Nông dân xã và hiện giờ là Bí thư Chi bộ thôn kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn. Nhờ làm tốt công tác dân vận, gần dân, sát dân nên cán bộ, đảng viên và người dân trong thôn đều đồng thuận, luôn phấn đấu phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo và chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Đảng viên phải luôn là người đi trước để làng nước theo sau là vậy đó. Đây cũng là lời căn dặn của Người đối với cán bộ, đảng viên. Tuy ngắn gọn, nhưng câu nói của Người có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, nhất là những đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi. Họ mãi là những đóa hoa tươi thắm của núi rừng.

Đ.NGUYỄN - N.ĐỨC - T.HẬU - T.NHÀN